Ngữ Văn 10 | Cảm nhận về "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ"

Ngày 23/03/2022 08:59:51, lượt xem: 3454

Đề bài: Cảm nhận về "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ".

 

 

Bài làm

Xã hội phong kiến xưa đầy rẫy những bất công, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện luôn gắn liền với những đau khổ và bất hạnh. Dù phẩm chất cao quý, tốt đẹp đến đâu thì số phận của họ vẫn đầy rẫy những bi kịch. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc đời đầy những đau thương, bất hạnh của họ chính là những bi kịch do chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây ra. Trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trích trong “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Qua những câu thơ chất chứa tâm trạng và dòng độc thoại nội tâm nhân vật, thi phẩm đã làm nổi bật nỗi lẻ loi cô đơn cùng những nhớ mong, và cả những khao khát hạnh phúc của người chinh phụ trong những tháng ngày xa cách và mong chờ người chinh phụ trở về.

Balzac đã từng khẳng định: “Nhà văn là người thư ký trung thành nhất của mọi thời đại”. Đặng Trần Côn sống trong thời kì mà chiến tranh các tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên và phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, nhà nhà sống trong cảnh loạn lạc, khói lửa, đâu đâu cũng thấy cảnh lầm than, tang tóc. Xuất phát từ yếu tố thời đại đã đem đến cho ông một cảm hứng sáng tác mới về chiến tranh, bằng cảm hứng nhân đạo của mình Đặng Trần Côn đã gieo ngòi bút của mình hướng đến số phận, nỗi đau của những người phụ nữ trong chiến tranh thể hiện sự căm hờn về quyền được sống, mưu cầu hạnh phúc của họ. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” được trích từ câu 193 - 220 trong “Chinh phụ ngâm” Sau khi tiễn chồng ra trận, người chinh phụ trở về với nỗi xót xa, lo lắng cho chồng, khổ đau bởi tình cảnh cô đơn, lẻ loi của mình. Tác phẩm đã thể hiện khát vọng hạnh phúc, mong ước lứa đôi gắn kết ẩn sau tâm trạng cô đơn, nhớ nhung của người chinh phụ.

Mở đầu đoạn trích là bốn câu thơ song thất lục bát làm cho người đọc phải suy ngẫm, như thoang thoảng đâu đây nét buồn mang mác, như nỗi lòng lo âu, sầu muộn của người phụ nữ ngày ngày trông ngóng tin chồng nơi chiến trận, tác giả đã khắc họa bức chân dung tâm trạng của người chinh phụ trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi, ngày qua ngày mong ngóng tin chồng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?”

Giữa một không gian tịch mịch “hiên vắng” và “rèm thưa”, hình ảnh người chinh phụ hiện lên lại càng thể hiện nỗi cô đơn. Mới ngày nào vợ chồng còn sánh bước bên nhau, yêu thương sâu đậm mà nay trong căn phòng, ngoài hiên nhà chỉ còn bóng dáng lẻ loi của người vợ bên trong bức rèm nhìn ra xa xăm, nàng đi đi lại lại một mình trong căn phòng ấy là những bước chân “xăm xăm” như gieo vào lòng người đọc những thanh âm của sự lẻ loi cô độc. Nàng hết buông rèm xuống rồi lại kéo rèm lên chỉ để hướng về nơi biên ải xa xôi, để mong ngóng chút tin tức của chinh phu nhưng cuối cùng chỉ là sự mong ngóng trong vô vọng. Nhịp thơ chậm lại, những hành động nàng đang lặp đi lặp lại một cách vô thức bởi tâm trí nàng giờ đây đang dành trọn cho người chồng nơi chiến trường đầy hiểm nguy. Việc miêu tả như vậy đã lột tả được tâm tư trĩu nặng và cảm giác bế tắc không yên của người chinh phụ. Đêm đêm, nàng vẫn một mình bên ngọn đèn, thế nhưng, đèn dẫu sao vẫn còn ngọn lửa tỏa ánh sáng ấm áp, còn nàng, lòng của nàng lại lạnh lẽo, mỏi mòn chờ người thương. Liệu ánh đèn ấm áp kia có hiểu:

“Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Nếu ngọn đèn không tắt xuất hiện cùng với người phụ nữ trong ca dao gợi lên nỗi thớ thương:

“Đèn thương ai mà đèn không tắt”

 

ĐỌC THÊM NGỮ VĂN 10 | PHÂN TÍCH 12 CÂU THƠ ĐẦU ĐOẠN TRÍCH TRAO DUYÊN

 

Thì hình ảnh ẩn dụ ngọn đèn của người chinh phụ soi bóng trong đêm lại là sự hiện diện của lẻ loi, đơn chiếc, trống trải. Hình ảnh hoa đèn và bóng người như phản chiếu vào nhau để diễn tả nỗi cô đơn đến héo úa canh dài, đến hao mòn cả thể chất. Dường như nỗi niềm ấy đã vo tròn, nén chặt đè nặng trong lòng chinh phụ, trở thành nỗi bi thiết không thể nói lên lời, là nỗi “buồn rầu” đến não nề, đến thương cảm. Bức chân dung người phụ nữ ấy không chỉ gợi lên qua những bước chân, động tác, cử chỉ, qua gương mặt buồn rầu, qua dáng ngồi bất động trước ngọn đèn khuya mà còn nổi bật lên trên nền của không gian và thời gian:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”

Hình ảnh “bóng hòe phất phơ” suốt ngày dài cùng biện pháp lấy động tả tĩnh với sự xuất hiện âm thanh “tiếng gà eo óc” đêm thâu như tô đậm thêm nỗi cô đơn, triền miên của nhân vật trữ tình. Tiếng gà eo óc báo hiệu canh năm: người vợ trẻ xa chồng đã thao thức suốt cả đêm, Bóng cây hoè ngoài sân, trong vườn ngắn rồi lại dài, dài rồi lại ngắn. Thời gian của xa cách và nhớ thương - thời gian tâm trạng - một khắc, một giờ dài như một năm. Tác giả sử dụng biện pháp so sánh: như niên, tựa miền biển xa để cụ thể hóa mối sầu dằng dặc. Từ láy “phất phơ” đã biểu đạt một cách tinh tế dáng điệu của người chinh phụ, tâm trạng của một người vợ ngóng chờ người chồng. Tâm trạng của nhân vật trữ tình như đang thấm đẫm, lan tỏa cả trong thời gian và xuyên suốt cả thời gian. Tác giả đã biến thời gian thành thời gian tâm lý, không gian thành không gian cảm xúc bằng bút pháp ước lệ và nghệ thuật so sánh trong hai.

Tình yêu của nàng, nỗi nhớ nhung của nàng xa thăm thẳm, tựa như đại dương mênh mông không nhìn thấy bến bờ. Và cùng với nó, thời gian chờ đời càng dài, lòng nàng lại càng “ tựa miền biển xa”.

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại ngùng”

Chỉ bốn câu thơ nhưng lại có tới ba từ “ gượng”. Nàng gượng soi gương, gượng đốt hương trong căn phòng rồi lại gắng gượng gảy từng phím đàn. Thế nhưng nàng lại nhận ra, dù nàng có cố gắng làm cho mình đẹp, cố gắng đốt hương thơm cho căn phòng hay gảy nên khúc nhạc quen thuộc của nàng thì cũng không còn ai ở bên cạnh để lắng nghe nỗi lòng của nàng, thưởng thức bề ngoài xinh đẹp của nàng cùng tiếng đàn trầm bổng nữa rồi. Đó có lẽ là những điều đau khổ và tuyệt vọng nhất của người phụ nữ. Để rồi từng phím đàn không còn được mượt mà, đằm thắm như ngày xưa nữa. chỉ còn lại những” phím loan ngại ngùng” như tình yêu của đôi uyên ương đã bị xa cách ngàn khơi.

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

 

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Cung đàn bạc mệnh trong "Truyện Kiều"

 

Nếu như ở đoạn đầu , nàng chờ tin lành từ những chú chim tước từ phương xa báo tin, thì nay nàng đành phải gửi tình cảm của mình cho ngọn gió Đông kia. Người chinh phụ đã gom hết những yêu nhớ, thương xót và cả lòng thủy chung của mình vào gió đông, nhờ cơn gió mùa xuân ấm áp gửi tâm tư thầm kín của mình đến non Yên. Những hình ảnh có tính tượng trưng ước lệ như “gió đông”, “non Yên”, “trời thăm thẳm” vừa gợi ra không gian rộng lớn vô tận nói lên khoảng cách xa xôi giữa chinh phu và chinh phụ vừa biểu đạt được tấm lòng chân thành, nỗi nhớ nhung vô hạn của người vợ nơi quê nhà. Phải chăng ngọn gió đông đánh thức tâm hồn chinh phụ cũng chính là ngọn gió xuân đánh thức giấc mộng ái ân khuê phòng trong “xuân tứ” của nhà thơ Lí Bạch:

“Cỏ non xanh biếc vùng Yên

Cành dâu xanh ngà ở bên đất Tần

Lòng em đau đớn muôn phần

Phải chăng là lúc phu quân nhớ nhà

Gió xuân có biết chi mà

Cớ chi lọt bức màn là tới ai”

Nỗi lòng của nàng giờ đây đã cao tựa như đường lên bầu trời mất rồi, liệu bao giờ chàng mới có thể trở về bên nàng được đây:

“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Cảnh buồn người tha thiết lòng

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”

Bốn câu thơ cuối, nhịp thơ đã chậm đi rất nhiều, như thấm vào lòng người đọc, như tiếng vọng ai oán, đượm vào từng nhánh cây, ngọn cỏ. Như câu thơ: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hai từ láy “thăm thẳm” và “đau đáu” đã biểu đạt trực tiếp sắc thái của nỗi nhớ thương ấy của người chinh phụ. Nếu hai từ “thăm thẳm” gợi nên trường độ của nỗi nhớ nhung trải dài dằng dặc, triền miên trong không gian thì độ sâu của nỗi nhớ được thể hiện qua từ “đau đáu”. Hình ảnh đường lên trời mù mịt, xa xăm cũng giống như bi kịch nỗi nhớ mong của nàng chẳng biết đâu là bến bờ, chẳng biết đến khi nào người chồng trở về để kết thúc cái bi kịch ấy. Giờ đây, người chinh phụ đã không còn niềm vui nào nữa, dường như mọi vật xung quanh cũng ảnh hưởng bởi tâm tư và tình cảm của nàng vậy, như nỗi nhớ “ đau đáu” của nàng dành cho người chồng bị cuốn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Bên cạnh tài năng miêu tả tâm lí nhuần nhuyễn bằng nhiều bút pháp được thể hiện qua thể thơ song thất lục bát mềm mại. Đồng thời, tác giả còn sử dụng hệ thống những từ láy kết hợp với lối thơ vắt dòng và biện pháp tu từ, điệp ngữ càng làm cho những câu thơ trở nên nặng trĩu tâm trạng, mở ra một nỗi buồn thương bao trùm lên cảnh vật. Tác phẩm đã góp phần vào tiếng nói đấu tranh, tố cáo chiến tranh phong kiến chia rẽ hạnh phúc lứa đôi đồng thời khẳng định quyền sống, quyền hạnh phúc nhân bản nhất của con người. Đó cũng là giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc nhất của tác phẩm.

Chiến tranh đã chia rẽ tình yêu, ngăn cách hạnh phúc lứa đôi của nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, có lẽ vì thế mà tác phẩm đã được độc giả cùng thời hết sức tán thưởng. Những vần thơ dù khép lại nhưng dường như nỗi đau của người chinh phụ vẫn còn đó, khắc khoải khôn nguôi. Niềm khao khát về một hạnh phúc từ đây mà trở thành niềm khao khát của cả một thời đại và nó thúc giục con người hành động để đạt dành được hạnh phúc mà mình đáng có.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP 10: http://bit.ly/khoahocvan10

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan